Châu Á thận trọng với sóng COVID-19 mới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trấn an rằng dòng con XBB.1.16 mới - đang gây lo ngại cho người dân Ấn Độ, Singapore... - không có dấu hiệu gia tăng về độc lực

Hôm 13-4, Ấn Độ báo cáo thêm hơn 10.000 trường hợp mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ trước đó, khiến Bộ Y tế nước này phải ban hành các khuyến cáo an toàn. Số ca mới này đã khiến tổng số trường hợp COVID-19 đang hoạt động của Ấn Độ lên mức 45.000 ca, tăng hơn 3 lần so với tuần trước, theo The National.

Từ đầu tuần này, Bộ Y tế Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập tại các bệnh viện trên toàn quốc để sẵn sàng ứng phó nếu số ca bệnh tăng cao. Viện Huyết thanh Ấn Độ - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới - đã tái khởi động sản xuất Covishield, tức phiên bản Ấn Độ của vắc-xin COVID-19 Oxford-AstraZeneca.

Các báo cáo dịch tễ của WHO đã bắt đầu tô màu đỏ (mức tăng mạnh) cho Ấn Độ từ 3 tuần trước trên bản đồ, thể hiện sự thay đổi tỉ lệ số ca mắc mới trong 28 ngày gần nhất so với chu kỳ trước đó.

Quốc gia Nam Á này được xếp vào khu vực dịch tễ Đông Nam Á của WHO, nơi số ca được báo cáo tuy thấp hơn nhiều các khu vực dịch tễ châu Âu, châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam) - chủ yếu do xét nghiệm không còn phổ biến - nhưng sự thay đổi về mặt tỉ lệ đủ phản ánh một làn sóng mới với mức tăng trung bình 152% cho toàn khu vực.

Châu Á thận trọng với sóng COVID-19 mới - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chờ Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ đến kiểm tra tại một bệnh viện ở New Delhi hôm 10-4. Ảnh: REUTERS

Sau Ấn Độ, các sắc màu cam (tăng) và đỏ cũng dần lan sang các quốc gia lân cận bao gồm vùng Tây Á địa lý như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran, Ả Rập Saudi…; Đông Nam Á địa lý bao gồm Indonesia, Philippines, Timor Leste, Myanmar… Trước châu Á, làn sóng COVID-19 này từng quét qua châu Âu nhưng hiện có xu hướng hạ nhiệt.

Singapore cũng bắt đầu ghi nhận số ca tăng lại từ đầu tháng trước - kênh CNA đưa tin hôm 12-4. Bộ Y tế Singapore và các bác sĩ trấn an người dân rằng hầu hết trường hợp đều nhẹ và sự trở lại của làn sóng COVID-19 mới là một phần tất yếu của việc chung sống với virus.

Kết quả phân tích biến chủng cho thấy làn sóng mới này được thúc đẩy bởi các dòng con của biến chủng phụ XBB của Omicron là XBB.1.5, XBB.1.9 và XBB.1.16.

XBB.1.16 (còn có tên không chính thức là Arcturus) là dòng con mới được chú ý nhất, cũng chính là nhánh SARS-CoV-2 được Ấn Độ xác định là thủ phạm chính của làn sóng mới.

Theo WHO, XBB.1.16 là sản phẩm tái tổ hợp của BA.2.10.1 và BA.2.75 và có thêm 3 đột biến trong protein gai của virus (E180V, F486P và K478R) so với dòng mẹ XBB của nó. Đột biến F486P được chia sẻ với XBB.1.5; trong khi đột biến ở vị trí 478 của protein gai có liên quan đến việc giảm lượng kháng thể trung hòa, tăng khả năng lây truyền. Kể từ ngày 27-3, 712 trình tự gien XBB.1.16 đã được báo cáo từ 21 quốc gia.

"Tuy nhiên, cho đến nay các báo cáo không cho thấy sự gia tăng số ca nhập viện, số ca ICU (hồi sức tích cực) hoặc tử vong do XBB.1.16. Hiện tại, không có nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nào báo cáo các dấu hiệu cho thấy nó làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh" - WHO khẳng định.

Các trình tự gien mới nhất được tổng hợp về cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID cho thấy XBB.1.5 vẫn là dòng thống trị trên thế giới, chiếm 45,1% (tăng từ mức 35,6% của tuần lễ thống kê trước đó) và đã được báo cáo từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. XBB.1.5 được WHO xếp hạng là "biến chủng được quan tâm" (VOI), được đánh giá là có khả năng thoát miễn dịch, lây nhanh và tạo ra các làn sóng mới nhưng không quá lo ngại vì không gia tăng về độc lực (tức khả năng gây bệnh nặng và tử vong).

VOI thấp hơn một bậc so với các biến chủng đáng lo ngại (VOC) như Delta hay Omicron "gốc". Ở mức thấp hơn VOI, BQ.1, BA.2.75, CH.1.1, XBB, XBF và XBB.1.16 là các dòng con đang được WHO giám sát.