Chỉ trong 1 ngày, Bệnh viện Việt Đức có khoảng 100 bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ phiên

Liên quan đến việc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hoãn mổ phiên (mổ theo kế hoạch) từ ngày 1/3/2023, TS. Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Chi dưới (Bệnh viện Việt Đức), cho biết, riêng khoa của ông đã giảm 50% số ca mổ phiên.

Bác sĩ nói gì?

Theo TS. Trần Hoàng Tùng, mổ phiên đã được bệnh viện lên lịch hàng tuần. Tuy nhiên, việc thiếu vật tư, y tế dẫn đến phải hoãn mổ phiên đã được Ban Giám đốc thông tin cho các đơn vị trực thuộc, chỉ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Do hoãn lịch mổ phiên, bệnh viện tập trung cho bệnh nhân nặng, cấp cứu. Như ngày 1/3, tại khoa vẫn mổ đến tối cho các bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng.

TS. Trần Hoàng Tùng cho biết thêm, đối với những trường hợp mổ phiên nhưng đã bị hoãn, bệnh viện vẫn cho đơn thuốc để uống. "Nếu ngày nào số ca mổ cấp cứu ít, chúng tôi lại tiếp tục mổ cho bệnh nhân đã được xếp lịch. Trong đó, ưu tiên cho bệnh nhân là người già, bệnh nhân nặng hơn", bác sĩ Tùng nói.

Chỉ trong 1 ngày, Bệnh viện Việt Đức có khoảng 100 bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ phiên - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật

Bệnh nhân có thẻ BHYT có bị ảnh hưởng?

Trước thông tin việc hoãn mổ phiên sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT), bác sĩ Tùng cho biết, đối với bệnh nhân chuyển tuyến theo diện BHYT thì vẫn lấy thuốc theo diện BHYT chi trả. Trường hợp bệnh nhân khám theo yêu cầu, khám dịch vụ thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và họ tự mua.

Theo tìm hiểu của PV Báo PNVN, việc hoãn mổ phiên từ ngày 1/3 đã được bệnh viện thông báo trước đó. Trong đó, riêng ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức có khoảng 100 bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ phiên, do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu.

Bệnh viện Bạch Mai không phải hoãn mổ phiên

Việc Bệnh viện Việt Đức hoãn mổ phiên do thiếu vật tư y tế đã khiến dư luận lo ngại tình trạng này sẽ lan sang các đơn vị khác. Tuy nhiên, theo TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện tại đơn vị chưa phải hoãn mổ phiên. Đơn vị phẫu thuật của bệnh viện vẫn mổ 6 ca/ngày.

Theo TS. Dương Đức Hùng, mỗi bệnh viện có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Việc thiếu vật tư y tế là chung nhưng không phải tất cả các bệnh viện đều phải hoãn mổ. Trong quá trình quản lý, Bệnh viện Bạch Mai cũng có những điều tiết cho phù hợp với từng thời kỳ. "Trong một thời gian nữa, có thể Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ thiếu vật tư y tế nhưng chắc chắn chưa đến mức phải hoãn mổ phiên", ông Hùng khẳng định.

Trước thông tin Bệnh viện Việt Đức phải hoãn mổ phiên do thiếu vật tư y tế, phóng viên Báo PNVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Bà Hương cho biết, đã giao cho đơn vị chuyên môn nghiên cứu và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

* Trước đó, như PNVN đã thông tin, từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức đã hoãn mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu và mổ cho những bệnh nhân nặng. Cùng với đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Vì thế, hiện có rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3 nhưng tất cả đều phải hoãn lại.

GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế.

Chiều ngày 1/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã gia hạn thêm 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Trong đó có 713 thuốc sản xuất trong nước; 2 sản phẩm thuốc nước ngoài.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hoá, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư... kháng sinh, kháng viêm.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay Cục Quản lý Dược đã 2 lần gia hạn nguyên liệu làm thuốc, thuốc, vacccine và sinh phẩm y tế. Sau 2 đợt, đã có gần 9.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn.