Theo khoa học, vỏ bưởi có vị đắng, cay, tính bình có tác dụng trừ phong, hóa đờm,... Nhiều người thường dùng phần cùi trắng ở bên trong của vỏ bưởi để chế biến thành các món ăn như chè, làm nem hay bóp gỏi.
Riêng phần vỏ bên ngoài có chứa tinh dầu nên thường được dùng trong trường hợp ăn uống không tiêu, phụ nữ có hiện tượng buồn nôn do thai nghén. Ngoài ra, vỏ bưởi còn được dùng để nấu nước gội đầu giúp tóc bớt rụng, bóng mượt và chắc khỏe hơn.
Những công dụng của vỏ bưởi mà bạn nên biết:
Trị viêm da và làm đẹp da: Vỏ bưởi rất có ích trong việc ngăn ngừa tình trạng mẩn đỏ, ngứa ngáy, các hiện tượng viêm tấy da. Với một lượng vitamin A và C cao giúp duy trì được độ ẩm trong da, bảo vệ da không bị khô, nếp nhăn và mụn trứng cá.
Công dụng chống nắng: Vỏ bưởi sẽ giảm được tỉ lệ xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang do việc tăng sắc tố cũng như mụn đầu đen, da khô, ngứa ngáy và rất nhiều những vấn đề khác do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, trong vỏ bưởi có chứa lycopene nên giúp ngăn ngừa ung thư da do tia cực tím gây ra.
Tốt cho tóc: Trong vỏ bưởi có hàm lượng tinh dầu lớn có khả năng dưỡng tóc rất tốt, giúp cho tóc bớt rụng, đồng thời giúp tóc óng mượt, mềm mại và chắc khỏe hơn. Ngoài ra, việc dùng vỏ bưởi để gội đầu không chỉ giúp làm sạch da đầu, kích thích tóc mọc nhanh mà còn tốt cho dây thần kinh vùng não.
Chữa hôi miệng: Vitamin C và tinh dầu có trong vỏ bưởi là những thành phần có khả năng chống hôi miệng một cách hiệu quả. Lấy vỏ bưởi đã phơi khô đun với ít nước kèm theo vài hạt muối. Dùng nước này để súc miệng sẽ khiến mùi hôi nhanh chóng biến mất.
Chữa ho, khan tiếng: Ho, khan tiếng là những triệu chứng thường gặp ở mọi đối tượng có thể do biến đổi thời tiết hoặc do tác động từ môi trường sống. Vỏ bưởi chính là vị thuốc hữu hiệu cho việc điều trị ho khan. Trong thời gian bị bệnh, nên nấu nước vỏ bưởi để uống hàng ngày, có thể dùng vỏ tươi hoặc khô sẽ thấy tình trạng ho khan được cải thiện.
Giải độc và thanh lọc cơ thể: Bưởi còn được biết đến với khả năng giải độc và thanh lọc cơ thể. Nước vỏ bưởi lành tính có thể sử dụng mỗi ngày giúp cơ thể đào thải độc tố, giúp làm đẹp da từ sâu bên trong.
Tăng sức đề kháng: Bưởi là một trong những loại trái cây có hàm lượng vitamin C dồi dào. Đây chính là dưỡng chất quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong vỏ bưởi có khả năng chống lại các căn bệnh như hen suyễn, viêm khớp, giảm stress,...
Ai không nên ăn bưởi
Bệnh nhân tiêu chảy có hệ tiêu hóa kém không nên ăn bưởi: Bưởi có tính lạnh, khiến cho người bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng. Do vậy, nếu trong người yếu thì không nên ăn nhiều bưởi. Thông thường người ta chỉ dùng bưởi để hạ nhiệt, hạ quá mức cũng sẽ gây ra triệu chứng đau bụng...
Không được ăn bưởi khi uống một số loại thuốc: Bệnh nhân có lượng mỡ trong máu cao nếu dùng một cốc nước ép bưởi để uống một viên thuốc giảm béo thì có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ, thậm chí là dẫn đến bệnh về thận.
Một số bệnh nhân trong thời kỳ sử dụng thuốc chống dị ứng nhất định, nếu ăn bưởi hoặc là uống nước ép bưởi, nhẹ thì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim… nghiêm trọng có thể dẫn đến đột tử.
Ngoài ra, còn một số thành phần khi kết hợp với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ như: Dung dịch cyclosporine, chất caffeine, canxi đối kháng, cisapride... Uống một cốc nước ép bưởi, cùng với các thành phần có chứa trong thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng cùng nhau trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Các chuyên gia sức khỏe đã đưa ra lời khuyên rằng, bệnh nhân đang sử dụng những loại thuốc kể trên, đặc biệt là người già, tốt nhất là không nên ăn bưởi và uống nước ép từ bưởi. Dù ăn hoặc uống nước ép bưởi vài giờ trước hoặc sau khi bạn uống thuốc vẫn có thể còn nguy hiểm, vì vậy tốt nhất là tránh hoặc hạn chế loại thực phẩm này khi uống thuốc.
Nghi Dung (T/h theo Lao Động, Sức Khỏe& Đời Sống)