Đổ bệnh vì thời tiết khắc nghiệt

Cả nước đang vào giai đoạn chuyển mùa, sự thay đổi thời tiết là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn nguy hại phát triển, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Đổ bệnh vì thời tiết khắc nghiệt - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh hô hấp. Ảnh: THÀNH SƠN

Miền Bắc: Mệt mỏi với nồm ẩm

Đã 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) nhưng bé gái 5 tuổi con của chị Lê Thị Hà (ở Trương Định, Hà Nội) vẫn ho nhiều, khó thở do viêm phế quản. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản co thắt do cơ địa mẫn cảm với thời tiết có độ ẩm cao. Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, thời tiết miền Bắc đang mưa phùn, nồm ẩm kéo dài đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, nhất là với trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, uống thuốc hạ sốt đáp ứng kém, khó thở... gia đình cần đưa ngay đến bệnh viện.

Trong khi đó, mỗi ngày Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 3.500-4.500 bệnh nhi. TS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da và sốt virus đang tăng mạnh, lượng bệnh nhân đến khám tăng khoảng 30% so với trước. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đang tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân bị nấm da và viêm da tiếp xúc liên quan đến yếu tố thời tiết. Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết, mưa phùn và độ ẩm cao làm cho nhà cửa, quần áo, chăn màn bị ẩm rất khó chịu, nếu chúng ta mặc quần áo ẩm dễ làm tăng nặng bệnh nấm da.

Miền Nam: Nhập viện vì… nóng

Theo thống kê của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), mỗi ngày bệnh viện có hơn 3.000 lượt khám chữa bệnh, trong đó, số lượt bệnh nhân thăm khám liên quan đến vấn đề về hô hấp, tai mũi họng chiếm tỷ lệ cao. Ông N.V.N. (81 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đến khám tại Khoa Nội hô hấp cho biết: “Tôi ở nhà cả ngày và mở máy lạnh 24/24 giờ. Cứ nghĩ là tránh được nóng ai ngờ lại vướng phải bệnh viêm phổi do lạm dụng máy lạnh”. Còn anh N.L.Đ. (45 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) đang làm ở công trình xây dựng thì bị choáng vì say nắng, phải cấp cứu.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 330 trường hợp mắc thủy đậu. Thời điểm này đang bước vào mùa bệnh thủy đậu, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, thai phụ… sẽ có nguy cơ trở nặng khi mắc bệnh này.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều bệnh nhi nhập viện do liên quan đến các bệnh tiêu hóa (chiếm 8%), hô hấp (chiếm 10%-15%). Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, cần cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vệ sinh mũi họng. Khi đi nắng về không vào máy lạnh ngay vì nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ khó thích nghi. Cần đeo khẩu trang khi ra đường. Trẻ sốt ho, sổ mũi nên đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị, không nên để lâu tránh biến chứng nặng hơn.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, trung bình một tuần có khoảng 90 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là trên 1.000 ca. Sở Y tế tỉnh Long An cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 570 ca mắc SXH, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1 ca tử vong. Tỉnh Sóc Trăng cũng ghi nhận từ ngày 27-3 đến ngày 2-4 có 38 ca mắc SXH, phát hiện 17 ổ dịch mới. Còn tại tỉnh An Giang, tính từ đầu năm đến ngày 11-4, số ca mắc SXH là 1.201 ca, tăng 4% so với cùng kỳ.