Những người không nên ăn nhiều ổi

Ăn ổi thường xuyên và đúng cách có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, làm đẹp, giảm cân...Tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn loại quả này nhiều.

Công dụng của quả ổi

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cam vẫn luôn được biết đến là nguồn vitamin C tự nhiên dồi dào. Trong 100 g cam chứa 50 mg vitamin C. Tuy nhiên, lượng vitamin C trong ổi nhiều hơn cam hơn 4 lần, 100 g quả ổi chứa 228 mg vitamin C.

Ngoài ra, thành phần trong trái ổi còn chứa các chất khác như vitamin A, axit folic và chất khoáng. Ổi cũng là loại trái cây chứa nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và cholesterol cũng như muối natri.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù tốt cho sức khỏe, nhưng mỗi ngày người khỏe mạnh cũng chỉ nên ăn 2 - 3 quả, nếu ăn quá nhiều lượng chất xơ phong phú trong quả ổi sẽ gây nặng bụng, khó tiêu.

Thời điểm tốt nhất là vào buổi sáng và giữa các bữa ăn sáng - trưa là thời điểm khá thích hợp để ăn ổi. Ổi hoàn toàn an toàn cho dạ dày và đường ruột. Vì vậy, bạn có thể ăn ổi vào buổi sáng khi chưa ăn gì, hoặc nếu ăn sau bữa sáng hay trưa thì bạn nên ăn cách các bữa từ 30 phút trở lên.

Sức khỏe - Những người không nên ăn nhiều ổi

Ăn ổi thường xuyên tốt cho sức khỏe. Ảnh: internet.

Những nhóm người nào không nên ăn nhiều ổi

Người bị dạ dày: Ổi rất tốt đối với dạ dày tuy nhiên với người bị đau dạ dày nên ăn ở mức độ vừa phải, không nên lạm dụng, do ổi cứng khi nhai không nát sẽ bắt dạ dày phải hoạt động để nghiền nát ổi, vì vậy cơn đau sẽ bị trầm trọng hơn. Ngoài ra, đối với người bị đau dạ dày cần tuyệt đối không được ăn ổi, hay uống nước ổi khi bụng rỗng.

Người bị đái tháo đường: Theo chuyên gia, bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế ăn ổi, không được dùng nước ép ổi uống hàng ngày vì ổi có chỉ số đường huyết cao với GI = 78, nếu ăn không đúng cách sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Nếu tình trạng kéo dài, người bệnh có nguy cơ phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, hoại tứ chi, thậm chí là tử vong.

Người bị táo bón: Nhất là đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nếu có dấu hiệu táo bón nên giảm ăn ổi, vì ổi chứa một hàm lượng lớn chất xơ, đặc biệt là ổi xanh, ương. Chất xơ này khi vào cơ thể sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa hết. Trong khi thai nhi càng lớn sẽ chèn ép vào dạ dày và đường ruột, cộng với cơ thể mẹ bầu có những thay đổi thất thường... Đây là những nguyên nhân khiến cho mẹ bầu dễ bị đầy hơi, táo bón.

Người bị suy nhược: Những người bị suy nhược thường tiêu hóa kém nên khi ăn ổi trực tiếp sẽ khó tiêu khiến dạ dạy phải co bóp nhiều. Trường hợp nếu vẫn muốn ăn thì cần phải sử dụng trái ổi ở dưới dạng nước ép hoặc là xay nhuyễn.

Những thói quen ăn ổi cần tránh

Ăn ổi xanh thường xuyên: Quả ổi chỉ phát huy tác dụng khi đã chín, cần tránh ăn ổi non hoặc xanh vì vị chát trong ổi sẽ có hại cho người bị bệnh dạ dày hoặc táo bón.

Không nhai kỹ khi ăn hạt ổi: Hạt ổi rất giàu chất xơ, có thể ngăn chặn sự hấp thu mật, kiểm soát sự hấp thu chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol… Tuy nhiên, hạt ổi rất cứng, nếu như không được nhai thật kỹ trước khi nuốt thì chúng có thể ảnh hưởng đến đường ruột, dạ dày. Gây đau bụng, đầy hơi, chán ăn, làm hại cho sức khỏe của chính bạn.

Không rửa ổi trước khi ăn: Nếu bạn là người khỏe mạnh và đã biết chắc loại ổi mình ăn là ổi sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì các chuyên gia khuyến khích nên ăn cả vỏ vì vỏ ổi có hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào.

Ăn ổi chấm muối: Khi ăn ổi dù có vị ngọt nhưng nhiều người vẫn có thói quen chấm muối, đây là thói quen xấu cần phải loại bỏ. Bởi việc ăn hoa quả chấm muối chính là nguyên nhân khiến lượng muối nạp vào cơ thể cao, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, ổi là loại quả giàu vitamin C nên người dân không nên ăn quá nhiều để tránh dư thừa.

Gọt vỏ ổi khi ăn: Nếu bạn biết chắc đó là ổi sạch thì các chuyên gia khuyến khích nên ăn cả vỏ vì vỏ ổi có hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào.. Vỏ của ổi chứa nhiều vitamin C rất tốt cho làm đẹp da, nhưng đối với người tiểu đường khi ăn nên gọt bỏ vỏ ổi.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời Sống, Tiền Phong)