Nữ bác sĩ và câu chuyện ‘hồi sinh’ những ca bệnh đã được gia đình xin về lo hậu sự

'Tái sinh' cho những mảnh đời mà xã hội vẫn kỳ thị là nhiệm vụ của mỗi y bác sĩ tại Bệnh viện 09.

Nằm ở nơi heo hút ngoại thành Hà Nội, bước chân vào cánh cổng Bệnh viện 09 là cả khoảng trời đìu hiu, cô quạnh. Bệnh viện là nơi 'chấp nhận' những mảnh đời nhiễm HIV/AIDS, mà hiện nay nhiều người ở xã hội ngoài kia vẫn còn kỳ thị. Đã gắn bó với nơi đây 17 năm qua, bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết chị cũng đã từng viết đơn nghỉ việc rất nhiều lần.

"Thời điểm mới vào đây làm việc, nhiều người bảo tôi sao lại đi điều trị cho người bị HIV/AIDS lở loét đầy người", bác sĩ Hường cười khi nhắc đến chuyện cũ.

Trong suốt thời gian công tác, vị bác sĩ này không biết đã tiếp xúc với bao nhiêu bệnh nhân nhiễm HIV. Cũng từng ấy năm, chị chứng kiến đủ các câu chuyện bi, hài từ bệnh nhân. Thậm chí nhiều lần chị còn chứng kiến bệnh nhân sử dụng ma tuý ngay trước mặt...

"Những bệnh nhân trong viện đa phần là những người có hoàn cảnh đặc biệt, nhạy cảm do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên họ đã tự cô lập, tự ti, xa lánh mọi người. Việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn", bác sĩ Hường cho hay.

Cũng theo bác sĩ Hường, có những người tưởng chừng sắp lìa xa cuộc sống nhưng được các bác sĩ 'giật' lại từ tay tử thần, 'hồi sinh' để bản thân bệnh nhân không mặc cảm, tự ti.

Đặc biệt, có nhiều gia đình thấy con em, người thân của mình nhiễm HIV/AIDS, bị lở loét, nhiễm trùng cơ thể nặng, nghĩ sẽ không qua khỏi nên đã xin về để... lo hậu sự nhưng được các bác sĩ động viên, chăm sóc, họ đã 'hồi sinh' trở lại.

Nữ bác sĩ và câu chuyện ‘hồi sinh’ những ca bệnh đã được gia đình xin về lo hậu sự - Ảnh 1.

Bác sĩ Mai Thị Hường. Ảnh: TN

Câu chuyện bác sĩ Hường nhớ nhất là về một nam bệnh nhân rất trẻ, mắc HIV khi chỉ ngoài 20 tuổi. Nguyên nhân nhiễm bệnh là do 'qua đêm' với gái mại dâm, nhưng không dùng biện pháp phòng tránh nên mắc phải căn bệnh thế kỷ.

Khi đó, bệnh nhân đi viện khám được chẩn đoán u phổi. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bố tuổi đã cao, bệnh nhân vào viện với tình trạng vô cùng tệ với nhiều vết lở loét trên cơ thể, khiến ai cũng sợ hãi.

"Khi vào viện, cậu ấy cũng bị sốc tư tưởng, không tiếp xúc với bất kỳ ai. Chính vì thế tâm lý bệnh nhân bất cần vì nghĩ chắc chắn thế nào mình cũng sẽ chết. Khi cán bộ vào lấy máu, tiêm truyền, bệnh nhân cáu gắt, không muốn cho lấy ven, không giao tiếp đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ", bác sĩ Hường nhớ lại.

Sau đó, bác sĩ Hường đã cố gắng động viên, tìm cách thuyết phục bệnh nhân đi Bệnh viện Phổi Trung ương để chụp X-quang chẩn đoán. Lúc này bác sĩ xác định bệnh nhân có thể không phải bị u phổi mà là nấm phổi. Cuối cùng sau nhiều tuần động viên, nam bệnh nhân cũng chịu hợp tác điều trị rồi được trở về nhà, tái khám định kỳ và lấy thuốc hàng tháng.

"Khi đó tôi bảo em phải cố gắng điều trị để còn về chăm sóc bố. Dần dần thì cậu ấy cũng vui vẻ trở lại", bác sĩ Hường kể.

Niềm vui đi cùng nỗi buồn ở nơi điều trị bệnh nhân mắc HIV/AIDS

Nhiều chuyện vui là thế, nhưng những bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện 09 cũng chứng kiến không ít chuyện buồn, nhất là khi chứng kiến những cái chết cô đơn, lạnh lẽo không người thân thiết.

"Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều bệnh nhân có địa chỉ người thân rõ ràng nhưng khi nguy kịch, người nhà của họ từ chối nghe điện thoại. Nhiều nhà, khi bệnh nhân đã qua đời, bệnh viện đã phối hợp với nhà tang lễ lo xong hậu sự, họ vẫn không đến để nhận tro cốt của người thân", bác sĩ Hường xúc động kể lại.

Vui, buồn là những cảm xúc trái ngược mà không chỉ bác sĩ Hường mà tất cả đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện 09 đều đã trải qua. Bác sĩ Hường cho biết bản thân chị vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với bệnh nhân, vẫn sẽ lắng nghe, và chia sẻ cùng những mảnh đời mắc căn bệnh thế kỷ tại nơi chứa đựng những kỷ niệm 17 năm làm nghề của mình.