Pfizer: Căn bệnh khiến bệnh viện quá tải vài tháng trước sắp có vắc-xin

Ủy ban cố vấn độc lập của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến nghị vắc-xin RSV của Pfizer, khiến nó tiến gần hơn đến việc trở thành một trong những mũi tiêm RSV đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ.

Theo Reuters, Ủy ban cố vấn FDA đã bỏ phiếu ủng hộ vắc-xin mới với tỉ lệ 7-4, cho biết dữ liệu từ nghiên cứu của hãng dược Mỹ này cho thấy vắc-xin RSV Pfizer an toàn trong việc ngăn ngừa bệnh đường hô hấp dưới do RSV gây ra ở người từ 60 tuổi trở lên.

RSV, tức virus hợp bào hô hấp, từng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện ở Mỹ, Canada, châu Âu quá tải trong mùa thu - đông vừa qua. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em và gây áp lực lớn cho các khu điều trị y khoa mỗi mùa dịch. Tuy nhiên, bệnh thường chỉ gây viêm đường hô hấp trên ở nhóm đối tượng này và mau chóng khỏi mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

Pfizer: Căn bệnh khiến bệnh viện quá tải vài tháng trước sắp có vắc-xin - Ảnh 1.

Pfizer có thể sớm tung ra vắc-xin RSV đầu tiên nếu được FDA chính thức chấp thuận - Ảnh: REUTERS

Trái lại, RSV có thể trở nên nguy hiểm ở người lớn tuổi, dẫn đến biến chứng viêm đường hô hấp dưới (như viêm phổi), thậm chí tử vong. Do đó nhiều hãng dược Mỹ như Pfizer, GSK, Johnson & Johnson, Moderna... đang trong cuộc chạy đua để tạo ra vắc-xin đầu tiên ngừa căn bệnh này, với đối tượng ưu tiên là người lớn tuổi.

Mặc dù các thành viên của Ủy ban cố vấn FDA ủng hộ vắc-xin RSV của Pfizer nhưng vẫn có lo ngại về dữ liệu không đầy đủ liên quan đến hiệu quả của vắc-xin đối với nhóm người từ 80 tuổi trở lên, là những người cần vắc-xin nhất.

Họ cũng khuyến cáo cần giám sát an toàn chi tiết vắc-xin này sau khi giới thiệu với công chúng, nhằm kịp thời giải quyết nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.

Theo các nhà phân tích, các loại vắc-xin đầu tiên chống lại RSV - loại virus gây ra 14.000 ca tử vong ở người lớn tuổi mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ - sẽ đem đến cho công ty sản xuất chỗ đứng đặc biệt trên thị trường ước tính có giá trị 5-10 tỉ USD.

FDA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết chính thức đối với vắc-xin này vào tháng 5-2023.