Các bệnh thường gặp
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn thời tiết hay có mưa phùn buổi sáng, lạnh hơn vào sáng sớm và chiều tối. Đặc biệt, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang mưa, lạnh. Vì vậy, trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những bé có cơ địa dị ứng với thời tiết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, thời tiết lạnh, ẩm thất thường kèm với nguy cơ cao mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, trời lạnh không phải nguyên nhân khiến chúng ta ốm mà chính nhiệt độ thấp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Virus tồn tại và sinh sôi nảy nở nhanh chóng ở điều kiện nhiệt độ thấp gây ra sự bội nhiễm cho con người. Thêm vào đó, thời tiết lạnh hơn có thể làm giảm phản ứng miễn dịch, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc bệnh ở người.
Các virus cảm lạnh thông thường sẽ lây qua đường không khí. Hầu hết các vi trùng có thể tồn tại trong không khí trong một khoảng thời gian nhất định. Rhinovirus và các loại virus cảm lạnh khác có thể sống sót tới 7 ngày, trên bề mặt bàn hoặc tay nắm cửa.
Virus cúm thường chỉ có thể tồn tại trong khoảng 24 giờ. Vào mùa Đông, đặc biệt là khi trời lạnh, mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng lây lan virus cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo quy luật, hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở miền Bắc từ tháng 2 - 4 hằng năm. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, tăng lên. Từ đó, dễ lây lan qua đường hô hấp.
Các bệnh hay gặp ở trẻ em là bệnh đường hô hấp như sởi, rubella, thủy đậu, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, rota, bệnh da như viêm da, bệnh đau mắt.
“Những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường là nhóm dễ mắc bệnh. Khi độ ẩm cao, mồ hôi không bốc lên được mà vẫn bám vào da của trẻ, bít lỗ chân lông. Từ đó, khiến trẻ càng thêm mệt mỏi, dễ cảm cúm”, PGS Nga giải thích.
Không tự ý mua thuốc điều trị
PGS Nga khuyến cáo, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện ho, chảy mũi, sốt, khò khè, thở rít, cần kịp thời đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Phụ huynh nên từ bỏ thói quen tự chẩn đoán và mua thuốc hạ sốt, kháng sinh tại quầy để điều trị tại nhà.
Bởi, việc làm này rất dễ gây đề kháng thuốc, cũng như các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ chưa biết nói, cha mẹ cần quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ thường xuyên như khóc quấy, khó chịu, ngủ li bì. Từ đó, phát hiện các bệnh lý kịp thời.
Chuyên gia này khuyến cáo, để phòng chống bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống. Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà. Bố trí cửa sổ lấy được nhiều ánh sáng Mặt trời, đặc biệt là ánh sáng ban mai.
Đồng thời, làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ chế độ khô, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn. Không dùng quạt để quạt khi độ ẩm cao. Không mở cửa nhà, cửa sổ khi thời tiết nồm ẩm.
Phụ huynh cũng nên vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân của bé. Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao. Do đó, nếu có thể, cha mẹ cần dùng máy sấy, bàn là ủi đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, bệnh ngoài da. Áo quần của trẻ nên dùng loại chất liệu cotton, thoáng.
Cần cho trẻ thay thường xuyên khi quần áo bị thấm mồ hôi, hoặc lấy khăn khô mềm lau da bé. Vệ sinh mũi sạch sẽ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tránh mầm bệnh lưu lại trong cơ thể. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đủ chất.