Luôn mặc cảm, tự ti
Ngồi co quắp trên chiếc ghế, cổ tay chi chít vết sẹo, cô gái trẻ xinh xắn luôn miệng hỏi “chị có phán xét em không?” - đó là lời của Phạm M.A (24 tuổi) khi tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng.
Theo lời của bà Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, trong năm 2021, khi tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds, M.A trong trạng thái chán nản, cô vừa tự tử bằng cách rạch tay và uống thuốc an thần.
M.A kể khi 6 tuổi, cô bị người anh họ, hơn M.A 10 tuổi, ở gần nhà xâm hại. Sau lần đó, M.A tiếp tục bị người họ hàng này xâm hại một vài lần nữa. Người anh họ này dọa sẽ giết nếu M.A nói ra điều này.
Cho tới lúc 14 tuổi, khi đã đủ dũng cảm, M.A đã kể lại sự việc với bố mẹ với mong muốn, bố mẹ không cho phép người anh họ lui tới nhà nữa.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng bố mẹ sẽ ủng hộ mình, bố mẹ M.A không những không ngăn cản hay cấm cửa người anh họ kia, mà còn nói với M.A những lời đau lòng: “Đó là anh em trong nhà, chuyện này nếu có thật đi chăng nữa thì tuyệt đối không được để lộ ra ngoài. Sau này mày còn lấy chồng, người ngoài sẽ cười gia đình, họ tộc mình”…
Quá thất vọng với cách xử trí của bố mẹ, M.A nén nỗi buồn, mặc cảm của bản thân đến năm 18 tuổi, M.A khăn gói lên Hà Nội học và cũng từ đó M.A rất ít về quê vì sợ gặp gã anh họ tồi tệ kia.
“Sau khi học xong đại học và đi làm nhưng suốt 6 tháng M.A chán nản trong công việc, ngại giao tiếp, không muốn xuất hiện ở đám đông và không muốn tiếp xúc với đàn ông, M.A luôn có cảm giác tự ti. Ngay từ khi đi học Đại học, M.A luôn thuê nhà ở riêng một mình, không ở cùng các bạn khác bởi sợ rằng bí mật quá khứ của mình có thể bị lộ”, bà Nhiên kể lại trường hợp của M.A.
Theo lời bà Nhiên, rất nhiều lần, M.A tự rạch tay mình. Mỗi lần tự rạch vào cổ tay, khi thấy máu chảy, M.A cảm giác được giải tỏa. Trên cổ tay của M.A chi chít các vết sẹo, lần gần đây nhất, M.A vừa tự rạch tay và vừa dùng thuốc ngủ. Lần này, M.A may mắn được cứu sống bởi một người bạn tới phòng trọ rủ đi chơi và đưa cô đi cấp cứu.
Khi đến với trung tâm hỗ trợ cộng đồng, bà Nhiên mất 4 buổi để ngồi lắng nghe, đồng cảm và dùng phương pháp trị liệu giúp M.A thoát khỏi trạng thái tồi tệ ấy.
Khi một người trầm cảm, đặc biệt nguyên nhân tác động là bị xâm hại tình dục như M.A, cái họ cần nhất là một người hiểu và đồng cảm với bản thân họ. Nhất là khi họ không được bố mẹ, người thân thấu hiểu.
“Khi tìm đến tôi, em ấy muốn một là thoát ra khỏi trạng thái như hiện tại để quay trở lại làm việc và hai là sẽ không bao giờ thoát ra được. Sau 4 buổi, tôi đã giúp em ấy quay trở lại làm việc được”, bà Nhiên chia sẻ.
Ảnh hưởng từ thể xác đến tinh thần
Trẻ bị lạm dụng tình dục sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe sinh sản?, trả lời vấn đề này, Ths.BS Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nếu trẻ em bị lạm dụng tình dục không dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục thì việc lây nhiễm một số căn bệnh nguy hiểm như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu... rất cao.
Thêm nữa, nếu lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dẫn đến mang thai, sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, biến chứng sản khoa nhiều hơn người trưởng thành.
Trước thực tế không ít câu chuyện thiếu nữ muốn kết liễu đời mình do bị lạm dụng tình dục, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc cho rằng, trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục có thể bị ảnh hưởng từ thể xác đến tinh thần.
Trẻ khi bị xâm hại tình dục sẽ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập được với xã hội. Thậm chí, nhiều trẻ sau khi bị xâm hại có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý.
“Các em bị đau về thể xác chưa là gì so với những ám ảnh tâm lý, cả đời sẽ sợ hãi khi hỏi về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Thậm chí, có nhiều em sau này lớn lên, khi bị hỏi về quá khứ sẽ xấu hổ và mất niềm tin vào tương lai”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết.
Từ những phân tích trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng vấn đề ở đây là do giáo dục không chặt chẽ, thậm chí chính người lớn còn ngần ngại khi nhắc đến vấn đề giới tính, tình dục khi dạy dỗ con cái.
Trong nhà trường, ngay từ cấp tiểu học chương trình giáo dục công dân đã có phần học về giới tính và sức khỏe sinh sản. Thế nhưng, môn học này vẫn chưa thực sự được chú trọng.
“Tôi cho rằng, bố mẹ trong gia đình không nên ngại ngùng, lẩn tránh mà cần thẳng thắn chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về giới tính, quan hệ tình dục an toàn cho các con”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh.