Dịch bệnh vẫn đang ở cấp độ xanh
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), cho biết số ca mắc Covid-19 trên cả nước có gia tăng. Để đánh giá về tình hình dịch Covid-19 cần phải dựa trên 3 yếu tố: virus SARS-CoV-2; môi trường sống, hành vi của người dân và các biện pháp đáp ứng.
Hiện, đa số các ca bệnh Covid-19 tập trung ở khu vực phía Bắc, trong đó, có 2 ổ dịch xảy ra tại Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai tỉnh thành này cũng đã vào cuộc sớm để ngăn ngừa lây nhiễm.
Nguyên nhân khiến số ca bệnh Covid-19 tăng ở phía Bắc là do thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho virus, trong đó có virus gây bệnh Covid-19, phát triển.
GS.TS Phan Trọng Lân (Ảnh: Ngọc Minh)
GS Lân khẳng định, đánh giá tình hình dịch bệnh phải thực hiện toàn diện chứ không chỉ phụ thuộc vào số ca bệnh. Theo đó, việc đánh giá tình hình dịch bệnh gồm: số ca mắc, số ca tử vong, đáp ứng thu dung điều trị… Việc công bố cấp độ dịch sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của từng địa phương cụ thể.
"Theo đánh giá sơ bộ trên cả nước thì tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam vẫn ở cấp độ xanh. Có nghĩa là dịch bệnh không vượt quá cấp độ 1. Tình hình dịch vẫn đang trong mức kiểm soát", GS Lân nói.
Biến thể Omicron vẫn chiếm đa số
Trong 7 ngày vừa qua (từ 05/4 đến 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới Covid-19, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Đặc biệt, nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Với số ca mắc Covid-19 tăng trong 7 ngày vừa qua, nhiều người lo ngại có hay không việc xuất hiện biến thể mới? GS Lân cho hay, đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.
"Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang là tình trạng y tế khẩn cấp hàng đầu, các nước đều vào cuộc, xét nghiệm giải trình tự gene, cập nhật để các nhà khoa học tham khảo. Hiện nay, người ta thấy Omicron vẫn là biến thể chủ đạo, các biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng không làm gia tăng ca nặng", GS Lân nói.
Tại Việt Nam, biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế, chưa ghi nhận biến thể mới. Cho tới nay, các biến thể của virus cho thấy có sự lây lan nhanh, chưa có bằng chứng làm tăng các ca bệnh nặng. Thực tế trong tháng 4, số bệnh nhân nặng phải nhập viện còn thấp hơn so với tháng 3.
Theo GS Lân, với biến thể Omicron, vắc xin Covid-19 hạn chế về bảo vệ khỏi lây nhiễm. Tuy nhiên, vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc phòng số ca nặng và tử vong. Do vậy, việc tiêm vắc xin vẫn cần phải tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ cao.
Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao, mũi cơ bản phủ gần như 100% đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3-4 đạt tỷ lệ 80-90%. Tỷ lệ tiêm mũi 1 ở nhóm trẻ em từ 5-12 tuổi lên tới 90%, mũi 2 khoảng gần 30%.
Việc phòng chống lây nhiễm vẫn cần phải tập trung vào đối tượng nguy cơ cao bao gồm: nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai,... với mục tiêu giảm tình trạng nhập viện, tử vong do mắc Covid-19.
Chuyên gia khuyến cáo, Covid-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Thêm vào đó, đây là thời điểm giao mùa, các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát. Do đó, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết.
Mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo. Việc làm này không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Người dân cần đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vắc xin đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.