Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại: Chuyên gia nêu ba lý do và đưa ra dự đoán

Theo số liệu từ Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 của cả nước đang tăng trở lại. Dưới đây là nhận định của chuyên gia dịch tễ về sự gia tăng này.

Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 trên cả nước đang có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 11/4, số ca mắc mới ghi nhận là 183 trường hợp, số ca mắc trong ngày 10/4 là 113 ca và ngày 8/4 là 122 ca. Hà Nội vẫn nằm trong tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 cao trong cả nước.

Bên cạnh số ca mắc Covid-19 tăng thì số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng lên. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) những ngày vừa qua, số bệnh nhân Covid-19 đều tăng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Phó đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - cho biết trong tháng 3, bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, trong 10 ngày đầu tháng 4, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân. Ngoài ra, trong tháng 3, chỉ có 1-2 bệnh nhân phải nhập viện, nhưng hiện tại đã có khoảng 10 bệnh nhân điều trị nội trú. Đa số những bệnh nhân này đều phải hỗ trợ thở oxy, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và có bệnh nền.

Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại: Chuyên gia nêu ba lý do và đưa ra dự đoán - Ảnh 1.

Số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng (Nguồn: Bộ Y tế).

Lý do Covid-19 gia tăng

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - chia sẻ: "Số ca mắc Covid-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng ca mắc Covid-19 tăng giảm chứ không riêng gì Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới chưa công bố hết dịch vì tình hình vẫn chưa ổn định. Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa thực tế vì người nhiễm bệnh không test hoặc họ test dương tính không báo với cơ sở y tế.

Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 tăng được chuyên gia chỉ ra là do miễn dịch của vắc xin suy giảm, trường hợp chưa được tiêm vắc xin (trẻ nhỏ), người suy giảm miễn dịch và chủ quan không đi tiêm nhắc lại".

Dự đoán tình hình dịch sắp tới

Số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5. Do đó, vị chuyên gia dịch tễ lo ngại số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng.

"Hiện nay, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các virus lây lan, trong đó có SARS-CoV-2. Thời gian sắp tới đi lại nhiều, người dân chủ quan không có các biện pháp phòng hộ cá nhân như mang khẩu trang, rửa tay thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng", PGS Phu nói.

Chuyên gia nhắn nhủ người dân cần duy trì nguyên tắc 2K, điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B, các bệnh truyền nhiễm khác...

Với ngành y tế, chuyên gia nhận định cần đánh giá về các chủng virus mới, có khả năng vô hiệu vắc xin hay không để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp.

Thời điểm hiện tại, Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một sự kiện y tế công cộng sang bệnh lưu hành. Chuyên gia dịch tễ lưu ý chúng ta cần phải tính toán khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì các hoạt động phòng chống dịch sẽ tiếp tục như thế nào; đồng thời vẫn phải giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ.

Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại: Chuyên gia nêu ba lý do và đưa ra dự đoán - Ảnh 2.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tăng (ảnh Minh Ngọc).

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí, đại diện Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới Covid-19, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn. Virus lây lan nhanh có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Bộ Y tế đã xây dựng "Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế" để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi dịch có xảy ra.

Bộ Y tế khẳng định luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19.

Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.