Ứng phó COVID-19 trong bối cảnh hiện nay thế nào?

Theo dự báo, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có thể gia tăng trong thời gian tới nhưng không làm xáo trộn xã hội.

Vì sao số ca mắc tăng nhanh?

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong 10 ngày qua, cùng đó nhiều địa phương đã ghi nhận các ổ dịch COVID-19.

Nhận định tình hình dịch COVID-19 hiện nay, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết thời gian qua, nhờ tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, COVID-19 đã giảm. Song thực tế COVID-19 chưa mất đi, vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng.

Theo PGS Trần Đắc Phu, số ca COVID-19 tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm đã giảm nên có nguy cơ tái nhiễm. Bên cạnh đó, việc người dân tăng cường giao lưu, đi lại cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan.

Ứng phó COVID-19 trong bối cảnh hiện nay thế nào? - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở y tế.

"Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất cũng có thể xâm nhập vào nước ta. Sau thời gian dài "mở cửa", nhiều người có tâm lí lơ là, không đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch nên lây nhiễm bệnh" - PGS Trần Đắc Phu nói.

PGS Trần Đắc Phu cho biết số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn số ca được Bộ Y tế công bố hàng ngày. Lý do là có nhiều người mắc bệnh, có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự xét nghiệm và tự điều trị tại nhà. Trên thế giới cũng có những làn sóng dịch tăng và giảm. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường. Hiện thế giới đang đánh giá, xem xét tính kiểm soát ổn định của dịch COVID-19 để có ứng phó phù hợp.

Dù số ca mắc tăng cao trong những ngày gần đây song điều đáng mừng là hơn 3 tháng qua cả nước không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19. Các chuyên gia cho rằng số mắc có thể còn tăng nhưng sẽ không gây quá tải cho hệ thống y tế bởi hầu hết ca mắc có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, những người dễ bị tổn thương như: Người già, người có bệnh nền... không nên chủ quan bởi bệnh có thể diễn biến nặng hơn.

Ứng phó COVID-19 trong bối cảnh hiện nay thế nào? - Ảnh 2.

Bệnh nhân COVID-19 được theo dõi tại cơ sở y tế ở Hà Nội.

COVID-19 sẽ là bệnh lưu hành như cúm mùa?

Trước đó, trả lời trong một cuộc họp báo ngày 17-3, quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tin rằng COVID-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm nay, nghĩa là nó vẫn lây nhiễm, vẫn giết người nhưng không còn là mối đe dọa và gây xáo trộn xã hội. Hiện nay, số người chết vì COVID-19 đã thấp hơn nhiều. Đồng thời, quan chức WHO cũng cho biết có thể sớm dỡ bỏ "tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu với COVID-19 "vào một thời điểm nào đó trong năm 2023".

Mới đây, chia sẻ thông tin về diễn biến của dịch COVID-19, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đến nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu với COVID-19.

Theo GS Lân, trong cuộc họp vào tháng 1 vừa qua, WHO xác định tiếp tục nghiên cứu giai đoạn chuyển đổi trong khi các biện pháp chống dịch của các nước chưa đầy đủ để tránh rủi ro. Từ tháng 1 đến nay, số mắc, tử vong do COVID-19 trên thế giới giảm nhiều. Hy vọng tháng 5 tới WHO họp và sẽ có quyết định đầy đủ.

Đánh giá chung diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, đại diện Bộ Y tế cho nhận định dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể gia tăng trong thời gian tới nhưng dịch vẫn đang được kiểm soát.

"Dịch có thể đi theo kịch bản dù có các biến thể phụ nhưng vẫn ổn định, tiến tới có thể trở thành bệnh có thể mắc, có thể nhập viện, có thể tử vong đặc biệt trên đối tượng nguy cơ cao nhưng nó sẽ không làm xáo trộn xã hội. Lúc đó nó trở thành coi như bệnh thông thường"- GS Phan Trọng Lân nói.

Tuy nhiên, GS Lân cũng lưu ý theo dự báo của các nhà khoa học và WHO, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu...

Ứng phó COVID-19 trong bối cảnh hiện nay thế nào? - Ảnh 3.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Nguyễn Chinh

Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Do đó, một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này.

"Để giảm bớt sự lây nhiễm, chúng tôi khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (khẩu trang-khử khuẩn) + vắc-xin Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh; trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng chống dịch"- PGS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 (như người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng thì nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vắc-xin đúng lịch, đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam là một trong số quốc gia tiêm chủng COVID-19 cao trên thế giới. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỉ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao. Hiện nước ta chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vắc-xin COVID-19. Vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, nguy nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.