Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội hiện đang điều trị 15 ca mắc COVID-19, trong đó chủ yếu là người cao tuổi có các bệnh lý nền.
Ông Nguyễn Trọng Nhâm (Hà Nội) mặc dù đã được tiêm 4 mũi nhưng vẫn tái nhiễm SARS-CoV-2 lần thứ 2. Do tuổi cao và có bệnh nền nên ông được chỉ định điều trị nội trú để theo dõi.
Bệnh viện cũng tiếp nhận những bệnh nhân chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ nên khi mắc COVID-19 đã có triệu chứng tăng nặng, buộc phải chuyển tuyến.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, gần 20 bệnh nhân được chỉ định nhập viện để điều trị COVID-19 đều là những trường hợp có các triệu chứng tăng nặng như khó thở, suy hô hấp, mắc các bệnh lý nền…
Đại diện WHO nhận định: số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam trong những tuần gần đây một phần là do người dân cho rằng COVID-19 đã kết thúc và không quan tâm đến việc đeo khẩu trang, rửa tay.
"Nguyên nhân có thể là do biến thể phụ mới được ghi nhận ở Việt Nam trong mấy tháng qua, có thể là do kháng thể mọi người có đã giảm dần theo thời gian do mũi tiêm cuối cùng mà họ nhận được đã trên 6 tháng, vì vậy, đây là lời nhắc nhở mọi người đi tiêm mũi nhắc lại, cũng có thể là do nhận thức về nguy cơ đối với COVID-19 của người dân đã thay đổi. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là số ca mắc gia tăng không gây ngạc nhiên. Điều quan trọng là chúng ta đang làm mọi điều có thể để làm giảm sự lây lan và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất" - Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết.
Hiện WHO vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao và phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19. Ủy ban Khẩn cấp của WHO sẽ có cuộc họp vào đầu tháng 5 để cân nhắc liệu COVID-19 có còn đủ yếu tố cấu thành Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.