WHO nói gì về ổ dịch Marburg lớn nhất thế giới và rủi ro toàn cầu?

Dữ liệu mới từ nước đang bùng dịch Marburg - Guinea Xích Đạo - nâng tổng số trường hợp nhiễm và nghi nhiễm lên 38 người, chỉ có 4 người sống sót; tuy nhiên WHO yêu cầu không cấm cản việc thông thương đối với đất nước này do rủi ro toàn cầu vẫn thấp.

Theo thông cáo báo chí Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 16-4, kể từ khi đợt bùng phát dịch bệnh Marburg ở Guinea Xích Đạo được công bố vào ngày 22-3, quốc gia này đã xác định 6 trường hợp thông qua xét nghiệm.

Con số này nang tổng số bệnh nhân được xác định mắc bệnh lên 15 người, trong đó 11 người đã tử vong (tỉ lệ 78,6%). Ngoài ra còn có 23 người nghi nhiễm (có triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhưng chưa được xét nghiệm) đều đã tử vong.

WHO nói gì về ổ dịch Marburg lớn nhất thế giới và rủi ro toàn cầu? - Ảnh 1.

Virus Marburg - Ảnh: BBC

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là TP Bata ở tỉnh Litoral, với 9 trường hợp được xác nhận tại phòng thí nghiệm. Một trung tâm khẩn cấp về y tế công cộng khu vực (PHEOC) đã được chính phủ kích hoạt tại đây, điều hành bởi Bộ Y tế.

WH) cũng đã hỗ trợ Bộ Y tế thành lập một trung tâm điều phối, đào tạo về các hoạt động giám sát, nâng cao năng lực hệ thống quản lý và thu thập dữ liệu dịch tễ học, thành lập trung tâm điều trị và cách ly...

WHO cùng với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã hỗ trợ nước này thiết lập một phòng thí nghiệm có thể chẩn đoán Marburg thông qua xét nghiệm RT-PCR.

Tâm dịch Bata là thành phố đông dân nhất Guinea Xích Đạo, có sân bay và cảng quốc tế, trong khi các biện pháp phòng dịch, kiểm dịch được đất nước này triển khai ban đầu là không đủ, do đó WHO đã nỗ lực hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, thắt chặt các quy trình sàng lọc.

Dựa trên các thông tin có sẵn, WHO đánh giá rủi ro do đợi bùng phát Marburg này đối với sức khỏe cộng đồng là rất cao ở cấp quốc gia, cao ở cấp tiểu khu vực, trung bình ở cấp khu vực và thấp ở cấp toàn cầu.

Dựa trên đánh giá rủi ro, WHO khuyến cáo các biện pháp nâng cao nhận thức về căn bệnh, nâng cao năng lực sàng lọc khi xuất nhập cảnh, lập bản đồ di chuyển dân số xuyên biên giới để xác định các nhóm dễ bị tổn thương và lập mục tiêu ca thiệp y tế công cộng, cung cấp thông tin về căn bệnh bằng các ngôn ngữ có liên quan tại điểm xuất nhập cảnh và tại các cộng đồng lân cận gần biên giới trên đất liền của Guinea xích đạo.

Các trường hợp nghi ngờ, nghi nhiễm và đã được xét nghiệm khẳng định; cũng như những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, không nên thực hiện các chuyến đi, du lịch, trong nước lẫn quốc tế.

WHO khuyến cáo chống lại bất kỳ biện pháp hạn chế du lịch hoặc thương mại quốc tế nào khác ở Guinea Xích Đạo.

Các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp liên quan đến thông thương có khả năng hạn chế cao hơn khuyến cáo của WHO được mời báo cáo với WHO theo Điều 43 của Quy định Y tế quốc tế 2005.

Chỉ lây qua tiếp xúc với máu, dịch tiết

Theo WHO, virus Marburg lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương với máu, dịch tiết, hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh; có thể thông qua giường ngủ, quần áo bị dính các chất dịch này của người bệnh.

Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, triệu chứng khởi phát bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu nghiêm trọng. Các biểu hiện xuất huyết có thể xuất hiện từ 5-7 ngày sau khi khởi phát.

Mặc dù không có vắc-xin hoặc thuốc kháng virus nào được phê duyệt, nhưng Remdesivir đang được sử dụng dưới hình thức thử nghiệm ở một số cơ sở chăm sóc.

Việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do Marburg dựa vào một loạt các biện pháp bao gồm cách ly nhanh chóng và quản lý ca bệnh; giám sát bao gồm tích cực xác định ca bệnh, điều tra và truy vết; hoạt động xét nghiệm tối ưu; phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm việc chôn cất an toàn; nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp bảo vệ cá nhân; vệ sinh môi trường bao gồm có đủ nước sạch.