Ngày 12/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do bị sét đánh.
Theo đó, anh H. V. A (40 tuổi), ở Tp.Cần Thơ được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, có một mảng cháy da vùng ngực, háng bên phải, mặt trong của đùi phải. Được biết, anh A. bị sét đánh khi đang làm việc ở ngoài trời lúc chuyển mưa.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng kích hoạt Code Blue tim toàn viện (Quy trình báo động toàn viện để cấp cứu người bệnh ngưng tim ngưng thở) tiến hành cấp cứu cho người bệnh. Trong quá trình cấp cứu, người bệnh xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim nguy hiểm phải tiến hành sốc điện khử rung nhiều lần.
Qua hơn 15 phút cấp cứu tích cực, người bệnh có nhịp tim và huyết áp trở lại, tình trạng dần ổn định hơn, bệnh nhân được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) để theo dõi và tiếp tục điều trị. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, các chỉ số sinh hiệu ổn định, được chuyển nội trú theo dõi. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân bình thường, đã được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú.
BS. Lê Minh Toàn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết: Trường hợp sét đánh của bệnh nhân rất phức tạp, gần như hiếm có cơ hội sống. Dòng điện do sét đánh chạy qua cơ thể gây ra tác dụng kích thích, có khả năng phá hoại quá trình sinh học của cơ thể, kích thích các tế bào, gây ra co giật các cơ bắp trong đó đặc biệt là các cơ tim. Những tác động này làm tổn thương cơ thể sống, có thể phá hoại và làm ngừng hoàn toàn sự hoạt động của cơ quan hô hấp và tuần hoàn.
“Sét đánh là một tai nạn về điện. Khi có người bị nạn do sét đánh, phải nhanh chóng sơ cứu không được để lãng phí thời gian ban đầu. Thời gian sơ cứu được tính từ lúc nạn nhân bị bất tỉnh hoặc có dấu hiệu suy hô hấp và cơn sét đã đi qua, tuỳ tình trạng của người bị nạn mà tiến hành sơ cứu và đưa ngay họ đến cơ sở y tế gần nhất để được hồi sức tích cực kịp thời tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra", bác sĩ Lê Minh Toàn khuyến cáo.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị sét đánh được cứu sống. Trước đó, năm 2019, một người phụ nữ cũng thoát chết kỳ lạ khi bị sét đánh.
Cụ thể khoảng 16h ngày 23/8. Lúc này, chị Lý Thị Bích K. (28 tuổi, ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đang di chuyển từ chỗ làm ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh về nhà. Khi đang điều khiển xe máy đi trên đường, chị bị sét đánh trúng, bị ngã và bất tỉnh.
Thời điểm chị gặp nạn là trời đang mưa giông. Chiếc điện thoại được bọc trong túi áo khoác cũng cháy đen. Rất may, chị được người dân phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Tịnh Bắc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng khám Đa khoa Tịnh Bắc, cho biết tiếp nhận bệnh nhân Kiều trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ đã phải tích cực cấp cứu, xoa bóp lồng ngực và sử dụng thuốc kích tim. Khoảng 16 giờ 30 phút, tim của bệnh nhân đập trở lại. Hiện bệnh nhân Kiều đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho hay nhịp tim của chị Kiều đã ổn định, sức khỏe chuyển biến tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân bị bỏng độ 1 và độ 2 ở vùng cổ và ngực.
"Thông thường, những trường hợp bị sét đánh sẽ bị rối loạn nhịp tim, dẫn đến tuần hoàn bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp bị nặng dẫn đến tử vong. Trường hợp của bệnh nhân Kiều được xem là may mắn hiếm có", bác sĩ Hà nói.
Cách sơ cứu nạn nhân bị sét đánh
Thông tin trên Tuổi Trẻ, khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê thì cần kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.
- Đặt nạn nhân nằm ngửa.
- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng-miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu. Sau đó ngậm kín miệng của nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực: Xác định 1/3 dưới xương ức. Đặt hai tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.
- Luân phiên thổi ngạt-ép tim như vậy với tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ.
- Lưu ý, sau khi cấp cứu, sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trúc Chi (t/h)