Ngày 12/4, Bộ Y tế có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành cho biết, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong 7 ngày từ 5 đến 11/4/2023, cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên là 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Nhiều nguyên nhân khiến dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát trở lại vào thời điểm hiện nay
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc Covid-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Điều này đúng với thực tế các nước trên toàn thế giới. WHO vẫn chưa công bố hết dịch do tình hình dịch Covid-19 chưa ổn định là vì thế.
Chuyên gia nhấn mạnh, số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải là số liệu thực tế. Người nhiễm bệnh có thể không test, nhiều người test dương tính nhưng không khai báo y tế… Điều đáng lo ngại là hiện nay, số ca Covid-19 gia tăng đúng vào thời điểm gần kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5.
Chưa kể, thời tiết nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus lây lan, làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... tại nước ta. Virus SARS-CoV-2 tất nhiên cũng như "cá gặp nước". Điều này dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch trong cộng đồng.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Các quốc gia cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
Không chỉ dễ mắc bệnh trong thời điểm này, người dân còn có xu hướng mắc bệnh nặng. Nguyên nhân bởi, miễn dịch của vắc-xin suy giảm. Nhiều trường hợp chưa được tiêm vắc-xin, tiêm không đủ hoặc chủ quan không đi tiêm nhắc lại.
"Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong giảm đáng kể so với một năm trước đây. Tuy nhiên, một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh. Các nhóm bao gồm: người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này", chuyên gia cho biết thêm.
Vậy chúng ta cần làm gì để ngăn chặn dịch Covid-19, tránh nguy cơ bùng dịch?
Theo BS Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM), muốn lịch sử không lặp lại như năm 2021, bất cứ ai cũng cần nâng cao tinh thần phòng chống dịch Covid-19. Tuyệt đối không được chủ quan để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người xung quanh. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi.
Dưới đây có 2 việc mọi người cần chú ý thực hiện:
1. Thực hiện nguyên tắc 2K
Người dân cần chú ý chống dịch theo nguyên tắc 2K - nguyên tắc cơ bản, phù hợp nhất trong diễn biến dịch Covid-19 hiện nay. Cụ thể là:
- Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
2. Tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Theo WHO, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch. Đây là giải pháp giúp tăng cường miễn dịch để chống lại Covid-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại trên cả nước. Không ai trong chúng ta mong muốn dịch bệnh bùng phát trở lại như năm 2021. Vì vậy, đừng quên đi tiêm phòng Covid-19 ngay nếu chưa thực hiện đủ các mũi tiêm cũng như tiêm nhắc lại.