Bệnh thủy đậu ở trẻ
Thủy đậu một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes Zoster gây nên, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỉ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.
Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hại đến sức khỏe của trẻ.
Hầu hết các trường hợp bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ thường nhẹ, tuy nhiên đôi khi cũng có một số biến chứng nghiêm trọng. Với trẻ đã tiêm ngừa thủy đậu sẽ ít bị mắc bệnh này hơn, vì đã có kháng thể bảo vệ hoặc nếu có mắc thì bệnh cũng sẽ không quá nghiêm trọng. Đối với trẻ chưa tiêm ngừa thủy đậu sẽ dễ mắc bệnh thủy đậu và có nguy cơ bệnh nặng hơn.
Hiện nay, dịch bệnh đang có nguy cơ tăng cao, lây lan nhanh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy khi có các dấu hiệu dưới đây, bố mẹ lập tức cho con đi khám vì bé có nguy cơ bị mắc thuỷ đậu.
- Sốt, mệt mỏi, nhức đầu.
- Đau cơ, chán ăn, nôn ói.
- Phát ban đỏ có đường kính vài milimet từ 24 – 48 giờ. Ban đỏ sau đó có thể chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong.
- Viêm họng và nổi hạch sau tai.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh thủy đậu ở giai đoạn khởi đầu rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vì vậy, nếu thấy nghi ngờ, mẹ nên thăm khám càng sớm càng tốt, nhất là trong mùa dịch khi cơ thể có những dấu hiệu này để xác định chính xác nguyên nhân và có cách chăm sóc, điều trị phù hợp.
Sau giai đoạn ủ bệnh và khởi phát trên sẽ là giai đoạn toàn phát. Cụ thể, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng và nặng hơn, các nốt ban đỏ trở thành mụn nước lan khắp toàn thân. Đây là lúc dấu hiệu bị thủy đậu trở nên rõ ràng nhất. Các mụn nước có quầng đỏ xung quanh này gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Trẻ bị thủy đậu hay gãi càng khiến mụn nước dễ nhiễm trùng và lây lan.
Căn bệnh này sau 7 - 10 ngày, các mụn nước sẽ bị vỡ, khi được chăm sóc đúng cách sẽ dần khô lại và đóng vảy, lớp da non thay thế dần được tái tạo. Việc các nốt thủy đậu ở trẻ em có để lại sẹo lõm hay không cũng phụ thuộc vào quá trình chăm sóc này và cả cơ địa của người bệnh.
Bệnh thủy đậu lây lan ở trẻ
Bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát thành dịch. Bệnh có tính chất lành tính, thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là đối với trường hợp thủy đậu ở trẻ em. Chính vì vậy, khi trẻ mắc bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
Đừng chủ quan với bệnh thủy đậu ở trẻ em vì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng tới tính mạng. Điển hình nhất là các biến chứng sau đây: Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát; zona thần kinh; Viêm thanh quản; Viêm tai ngoài, tai giữa; Viêm võng mạc...
Bệnh thủy đậu có thể xảy ra đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Từ 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh thủy đậu, trẻ vẫn ổn trước khi cảm thấy bị bệnh.
Trước khi có dấu hiệu bị bệnh từ 1 ngày đến sau khi xuất hiện phát ban trên da khoảng 5 ngày là thời điểm trẻ em có thể lây virus qua các con đường chính như sau:
- Trẻ tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu.
- Hít thở không khí từ người bị bệnh khi hắt hơi hoặc ho.
- Tiếp xúc với chất lỏng từ mắt, mũi hoặc miệng của trẻ bị nhiễm trùng.
Cách chăm sóc đúng khi trẻ mắc thủy đậu
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách sử dụng nước ấm để tắm. Không nên dùng các loại xà phòng có tính tẩy cao. Có thể sử dụng khăn sạch tẩm nước sạch để lau cơ thể. Khi vệ sinh cơ thể cần nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các mụn nước. Sau khi tắm, có thể dùng các thuốc bôi ngoài da để bôi lên mụn tránh nhiễm khuẩn.
- Không cho trẻ đến nơi đông người để tránh lây nhiễm các loại bệnh khác và tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh, vì sức đề kháng của trẻ lúc này rất kém,
- Không sờ, gãi mụn nước, làm vỡ các mụn nước, để tránh để lại sẹo và lây lan sang các vùng da xung quanh. Không nặn hoặc chọc vỡ các mụn nước. Để các mụn nước tự xẹp và bong vảy.
- Không để cho vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc nguồn nhiệt.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo mát mẻ, màu sáng, chăn màn thoáng, tránh mặt vải thô, cứng, đặc biệt là đồ len để hạn chế cọ xát vào các mụn nước. Cắt móng tay ngắn cho trẻ nhỏ để tránh trẻ gãi, gây xước da.
- Đảm bảo dinh dưỡng tốt, ăn đồ lỏng mát: Canh, cháo, súp, sinh tố… đặc biệt khi trẻ bị mụn nước thủy đậu trong miệng.
-Uống đủ nước giúp cơ thể đỡ mệt mỏi, vì cơ thể dễ mất nước bởi sốt và phỏng nước. Không cần kiêng khem gì, vì điều này sẽ khiến trẻ thiếu đi nguồn cung cấp dinh dưỡng.
Trúc Chi (theo Phụ Nữ Việt Nam, Sức khỏe & Đời sống)