Nam bệnh nhân P.Đ.N. (64 tuổi, tại TP.HCM) tới Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám trong tình trạng đau nhức chân phải. Theo chia sẻ của bệnh nhân, cứ đi được khoảng 50m thì ông lại bị đau phải ngồi nghỉ. Việc đau chân đã ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.
Bệnh nhân cho biết thường có cảm giác tê lạnh, các ngón chân tím và cơ teo. Điều đặc biệt là các móng chân của bệnh nhân có dấu hiệu hư móng, nhưng chỉ khi đau nhiều bệnh nhân mới đi khám.
Tại Phòng khám lồng ngực - mạch máu, bác sĩ xác định bệnh nhân có triệu chứng đau cách hồi, điển hình thường gặp trong bệnh tắc hẹp động mạch chi. Người bệnh được chỉ định khám khoa Mạch máu để kiểm tra đánh giá, siêu âm Doppler và chụp CT mạch máu dựng hình.
Bệnh nhân đang được bác sĩ khám. (Ảnh: Minh Trí)
Không ngoài chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân N bị tắc động mạch chậu chân phải giai đoạn tiến triển. Bệnh nhân được chỉ định đặt stent tái thông mạch máu. Sau phẫu thuật, người bệnh đi lại dễ dàng với quãng đường xa hơn. Chỉ sau 3 ngày điều trị nội trú, bệnh nhân đã được xuất viện với toa thuốc uống duy trì phòng ngừa tái phát.
Theo GS-TS-BS Trương Quang Bình - chuyên gia Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Bệnh còn thường gặp ở người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocysteine máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp người bệnh không có triệu chứng.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh có thể kể tới là xơ vữa động mạch, thuyên tắc huyết khối từ trong tim (tình trạng rung nhĩ, thất trái bị giãn, suy tim...).
Bệnh ở mức độ nhẹ, biểu hiện của bệnh là các cơn đau cách hồi. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị loét chi, hoại tử đen dẫn đến phải đoạn chi.
TS-BS Lê Phi Long - Phó trưởng khoa lồng ngực - mạch máu - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết tắc hẹp động mạch chi là bệnh lý khá phổ biến, đứng thứ 3 trong nhóm các bệnh lý tim mạch (sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim) với tỷ lệ mắc trong dân số chung là khoảng 5,6%. Ước tính có khoảng 230 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này. Những đối tượng dễ mắc bệnh bao gồm người lớn tuổi, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh động mạch vành... và phần lớn xuất hiện ở nam giới.
Những lưu ý khi điều trị bệnh tắc hẹp động mạch chi
TS-BS Lê Phi Long cho biết bệnh tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị hoặc diễn tiến nặng, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Đa phần các trường hợp tử vong do bệnh là vì các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Bệnh tắc hẹp động mạch chi là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài, đa chuyên khoa. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc kháng đông kết hợp thay đổi lối sống, vận động phù hợp. Đối với giai đoạn bệnh nặng và có nhiều yếu tố nguy cơ, người bệnh cần được tái thông mạch máu (đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch...).
Theo các chuyên gia, muốn đạt hiệu quả điều trị bệnh, người bệnh cần thăm khám đều đặn, sử dụng thuốc đúng liều lượng, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và duy trì thói quen vận động, sinh hoạt phù hợp. Bệnh có thể diễn tiến cấp tính, vì vậy cần lưu ý những biến chứng thiếu máu cấp như đau, tê chân đột ngột… để nhanh chóng đến bệnh viện và được cấp cứu kịp thời.