Học bí quyết trị nám bằng lá trầu trên Tik Tok, 4 người phụ nữ nhận hậu quả nặng nề

Chỉ sau 1 đêm dùng lá trầu trị nám, khuôn mặt 4 người phụ nữ tại Hà Nội bị kích ứng với nhiều vết loang lổ.

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Chuyên gia da liễu tại Hà Nội, cho biết vừa qua anh tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân nữ đến khám với tình trạng viêm da kích ứng, dị ứng đồng thời da mặt có những vết loang lổ, chỗ trắng chỗ đen.

Qua khai thác bệnh sử được biết 4 người phụ nữ ở Hà Nội này đã xem video hướng dẫn dùng nước lá trầu không để trị nám trên Tik Tok, tuy nhiên kết quả không như ý muốn.

Theo BS Thành, việc dùng lá trầu không để trị nám là một "mẹo" hết sức nguy hiểm. Mặc dù lá trầu có chứa một số carbohydrate, axit gluconic, axit α-hydroxy; một số axit amin tự do và tannin... nhưng trong lá trầu không đồng thời lại có chứa các dẫn xuất của phenol, catechol hoặc benzen. Đây là các thành phần đã được nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố, còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại.

BS Thành phân tích, nước lá trầu có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như kích ứng và viêm da. Lá trầu có thể chứa các chất gây kích thích da, gây tổn thương da và khiến da trở nên nhạy cảm hơn.

"Đây là ca bệnh hy hữu, cần có phác đồ điều trị cụ thể để giảm thiểu tình trạng ảnh hưởng lên toàn bộ khuôn mặt", BS Thành nói.

Ngoài lá trầu không, chuyên gia này cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân hỏng da vì trị nám bằng các loại mỹ phẩm trôi nổi được quảng cáo với công dụng "thần thánh".

"Bệnh nhân đã sử dụng những mỹ phẩm được quảng cáo có khả năng trị nám nhanh chóng trên thị trường, phần lớn đều chứa corticoid, hydroquinone, tretinoin, thậm chí thủy ngân, các chất bào mòn da… Đây là những thành phần được xếp vào danh sách không được sử dụng thời gian dài trên mặt", BS Thành nhấn mạnh.

Theo BS Thành, nám là sự gia tăng hắc sắc tố melanin ở da tạo nên các đốm có màu từ nâu đến đen, thường xuất hiện trên gò má, trán hoặc các vùng da khác, dễ chịu tác động của ánh nắng mặt trời. Nám da thường xuất hiện rất sớm, điển hình là đối với phụ nữ sau khi sinh em bé, sau 30 tuổi hay phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Qua trường hợp này, BS Thành cũng khuyến cáo, thay vì tự điều trị bằng những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng như sử dụng lá trầu, người dân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách khi có vấn đề về da. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng da của bạn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Điều trị nám da là một quy trình tổng hợp, kết hợp nhiều phương pháp điều trị, chăm sóc da… yêu cầu bác sĩ điều trị có chuyên môn sâu về cấu trúc da, hiểu rõ cơ chế hình thành nám, loại da và tình trạng nám… để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.