Khối u hiếm gặp, bệnh nhân đến bệnh viện mới tá hỏa

Nghĩ khó thở do béo phì nên bệnh nhân không thăm khám sớm, sau đó khó thở, khám thì phát hiện u nang thực quản gây chèn ép khí quản.

Chiều 30-3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa thực hiện kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo) vừa phẫu thuật nội soi ít xâm lấn cứu bệnh nhân L.H.K (30 tuổi, ngụ TP HCM) có khối u nang thực quản hiếm gặp chèn ép đường thở. Đặc biệt, bệnh nhân có thể trạng béo phì (nặng 110 kg), tiểu đường tuýp 2 nên quá trình phẫu thuật, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Khối u hiếm gặp, bệnh nhân đến bệnh viện mới tá hỏa - Ảnh 1.

Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám trong quá trình hồi phục sau mổ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

TS-BS Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết anh K. đến khám trong tình trạng khó thở, không thể gắng sức khi làm công việc thường ngày. Sau thăm khám, siêu âm, chụp CT-scan phát hiện bệnh nhân có khối u nang ruột đôi lớn (kích thước 75x71 x 69 mm), nằm cạnh thực quản, chèn ép khí quản và phế quản, gần như tắc nghẽn hoàn toàn.

"Bệnh nhân khó thở cần được phẫu thuật nhưng do nhiều bệnh nền với khối u phức tạp nên bệnh viện đã hội chẩn nhiều chuyên khoa. Qua hội chẩn, các bác sĩ đã phải đưa ra phương án bất khả thi khi vừa hỗ trợ ECMO, vừa phẫu thuật cắt toàn bộ nang ruột lớn. Bởi khối u chèn ép lâu ngày gây xẹp khí quản khiến việc kiểm soát đường thở sẽ gặp khó trong quá trình gây mê" – bác sĩ Tường Anh nói.

Giải thích thêm, bác sĩ Tường Anh cho biết nang ruột đôi chèn ép khí quản là một bệnh lý bẩm sinh đường tiêu hoá hiếm gặp. Trong y văn trên thế giới cũng chỉ được báo cáo vài ca. Do đó, để cứu sống bệnh nhân không chỉ khó khăn từ bệnh lý nguy hiểm cần phẫu thuật khẩn mà còn khó khăn trước và sau mổ. Bởi người bệnh béo phì nặng khiến hạn chế xoay trở, dễ biến chứng. Không chỉ vậy, kiểm soát đường thở trong quá trình gây mê cũng gặp khó vì nang ruột lớn chèn ép vào khí quản, không thể kiểm soát đường thở bằng nội khí quản như ca bệnh bình thường.

Sau quá trình hội chẩn để tìm phương án, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi lồng ngực để cắt bỏ nang ruột, đồng thời, sử dụng kỹ thuật (ECMO) nhằm đảm bảo oxy. Sau 6 tiếng ca mổ đã thành công, khối u được bóc tách hoàn toàn. Hiện bệnh nhân có thể tự vận động đi lại và vệ sinh cá nhân tốt, không còn cảm giác khó thở như trước phẫu thuật. Đặc biệt, qua sinh thiết khối u lành nên bệnh nhân không có di chứng về sau.

Theo bác sĩ Tường Anh, nang ruột đôi là tổn thương bẩm sinh trên đường tiêu hoá hiếm gặp, thường được chẩn đoán lần đầu khi còn ở tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, với tần suất ¼/500 ca. Bệnh có thể gặp ở người trưởng thành, nhưng tần suất ít hơn. "Nang ruột này có thể hiện diện ở khắp chiều dài ống tiêu hoá, nhưng hiếm gặp nhất là nang ruột đôi xuất phát từ ống tiêu hoá đoạn trong lồng ngực. Bên cạnh đó, nang không có biểu hiện lâm sàng chỉ đến khi biến chứng người bệnh mới phát hiện. Vì vậy, việc phòng ngừa phụ thuộc vào quá trình tầm soát khi mang thai" – bác sĩ Tường Anh nói.